ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ NGHIỆM PHÁP DUNG NẠP ĐƯỜNG HUYẾT Ở NGƯỜI BỆNH NGHI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ TẠI  BỆNH BỆNH VIỆN PHỤ SẢN TRUNG ƯƠNG NĂM 2016
16:19 - 28/07/2017

Lê Xuân Trọng, Đào Thị Hoa,Nguyễn Hương Giang,Vũ Kim Anh

Tóm tắt: Mục tiêu: Mô tả một số đặc điểm của  người bệnh ĐTĐTK và kết quả của nghiệm pháp dung nạp đường huyết ở thái phụ nghi đái tháo đường thai kỳ tại  Bệnh viện Phụ Sản Trung ương năm 2016.

Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang trên 216 thai phụ có chỉ định làm NPDNĐH được thực hiện theo quy trình xét nghiệm của bệnh viện.

Kết quả: 1/Tỷ lệ ĐTĐTK chung cho những bệnh nhân đã được chỉ định làm NPDNDH tại khoa khám bệnh là: 23,6%. 2/Tỷ lệ ĐTĐTK cao nhất ở nhóm > 35 tuổi (37,5%); Số thai phụ có đường huyết hoặc đường niệu tăng chiếm nhiều nhất (57 trường hợp/26,4%), 26,2% thai phụ có tuổi thai từ 24 đến 28 tuần dương tính với NPDNĐH và chỉ 6,2 % trường hợp dương tính với NPDNĐH với tuổi thai dưới 24 tuần; ở nhóm có các tiền căn sản khoa là 19,2 % và  ở nhóm nguy cơ cao là 30%, ở nhóm chỉ định mở rộng là 17 %. Các kết quả nghiên cứu đã được so sánh và bàn luận.

Từ khóa: Nghiệm pháp dung nạp đường huyết, đái tháo đường thai kỳ.

ĐẶT VẤN ĐỀ:

Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào và/ hoặc tăng đường huyết khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai, điều này không loại trừ trường hợp bệnh nhân đã có tình trạng rối loạn dung nạp glucose từ trước nhưng chưa được phát hiện và cũng không phân biệt sau khi sinh bệnh nhân còn tăng glucose máu hay không.  ĐTĐTK là một biến cố y khoa lớn xảy ra trong thời gian có thai, nếu không được chẩn đoán và điều trị thích hợp, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi. Có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa ĐTĐTK với tăng tỷ lệ các biến cố chu sinh ở mẹ và thai nhi [1],[2].

Do đó, việc xác đoán sớm, chính xác tình trạng ĐTĐTK sẽ giúp có hướng giải quyết đúng và góp phần làm giảm tỷ suất các biến cố chu sinh. Theo khuyến cáo của hội nghị Quốc tế lần thứ IV về ĐTĐTK tại Mỹ, những người phụ nữ có nguy cơ cao bị ĐTĐTK là những người thừa cân, béo phì trước khi có thai, tiền sử gia đình thế hệ 1 có đái tháo đường, tiền sử ĐTĐTK, tiền sử đẻ con to trên 4000g, đường niệu dương tính; Ở những thai phụ này tỷ lệ đái tháo đường cao và xuất hiện sớm hơn so với thai phụ bình thường, do vậy họ nên được sàng lọc ngay từ lần đầu đến khám [3][4]. Ngoài ra tại hội nghị này còn khuyến cáo tất cả những thai phụ có tuổi thai từ 24 đến 28 tuần nên được sàng lọc ĐTĐTK. Tại khoa Khám bệnh Bệnh viện Phụ sản trung ương việc sàng lọc ĐTĐTK không những được áp dụng cho những bệnh nhân nguy cơ cao mà còn áp dụng cho những thai phụ nghi ngờ có thể bị đái tháo đường trong thai kỳ như thai to hơn so với mức tuổi thai, dư ối, đa thai, mẹ tăng cân nhanh, mẹ lớn tuổi, tăng huyết áp… Việc này giúp cho việc sàng lọc ĐTĐTK được kỹ càng hơn, giảm bớt nguy cơ bỏ sót bệnh nhân bị đái tháo đường. Để có một cái nhìn tổng thể về giá trị của các chỉ định làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết (NPDNĐH) chúng tôi tiến hành nghiên cứu này với mục tiêu: Mô tả một số đặc điểm của người bệnh ĐTĐTK và kết quả của nghiệm pháp dung nạp đường huyết ở thái phụ nghi đái tháo đường thai kỳ tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương năm 2016.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu: Bao gồm 216 thai phụ đến nghi đái tháo đường thai kỳ đến khám thai tại khoa Khám bệnh Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, có đủ các tiêu chuẩn chọn mẫu trong năm 2016.

2.1.1. Tiêu chuẩn chọn mẫu

- Thai > 14 tuần

- Có một hoặc nhiều trong các lý do để chỉ định làm NPDNĐH: Thừa cân béo phì trước khi mang thai (BMI > 23), tăng cân nhanh trong quá trình có thai/ Đường niệu dương tính/Thai to/Dư ối/Có tiền sử ĐTĐTK /Tiền sử gia đình có người bị ĐTĐ/Tiền sử sản khoa nặng nề: thai lưu, sảy thai đẻ non liên tiếp, thai chậm phát triển trong tử cung và mẹ lớn tuổi (>35 tuổi).

-  Đồng ý tham gia nghiên cứu.

2.1.2. Tiêu chuẩn loại trừ

- Tất cả những thai phụ không thỏa mãn một trong các tiêu chuản chọn mẫu nêu trên.

- Không có khả năng thực hiện NPDNĐH

- Đã được chẩn đoán ĐTĐ trước và trong khi có thai.   

- Bị nôn khi chưa thực hiện xong liệu trình xét nghiệm máu tĩnh mạch

- Đang mắc các bệnh ảnh hưởng đến chuyển hóa Glucid: cường giáp, suy giáp, cushing…

- Đang có bệnh cấp tính:

- Dưới 18 tuổi.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Cỡ mẫu: Cỡ mẫu được tính theo công thức:

Trong đó :

+ N: cỡ mẫu nghiên cứu

+ Z(1-a/2): hệ số tin cậy = 1,96 (tương ứng với α = 0,05)

+ P: tỷ lệ dương tính với nghiệm pháp dung nạp đường huyết theo nghiên cứu của Vũ Bích Nga năm 2007 tại Bệnh viện Bạch Mai  trên thai phụ nguy cơ cao là 25,2% [5]

+ ε : giá trị tương đối, được chọn là 0,25. Thay các giá trị vào ta được:

Cỡ mẫu tối thiểu là 203, trên thực tế cỡ mẫu chúng tôi có được là 216. 

2.2.2. Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang.            

2.2.3. Biến số nghiên cứu

- Đặc điểm nhân trắc của các thai phụ làm NPDNĐH

- Các chỉ định làm NPDNĐH

- Tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ

- Mối liên quan giữa đái tháo đường thai kỳ với: Tuổi thai phụ, tuổi thai, tiền sử sản khoa

2.2.4. Quy trình nghiên cứu

- Khai thác thông tin của thai phụ có chỉ định làm NPDNĐH, bao gồm:

          + Tuổi thai phụ, tuổi thai.

          + Tiền sử đái tháo đường của thai phụ

- Ghi phiếu hẹn cho các thai phụ đã được chỉ định là NPDNĐH.

- Đến ngày hẹn: Xem sổ khám bệnh về các bệnh nội khoa như tim mạch, bướu cổ, đái tháo đường; loại trừ những trường hợp đã được chẩn đoán ĐTĐ hay có bất thường khác trong thai kỳ.

- Những thai phụ đáp ứng tiêu chuẩn là NPDNĐH sẽ được uống 75 gram glucose và lấy máu trước uống đường sau uống đường tại Đơn vị lấy máu Khoa Khám bệnh.

- Tiến hành nghiệm pháp dung nạp đường huyết:

+ Chuẩn bị thai phụ:

Thai phụ nhịn đói ít nhất 12 giờ, không ăn không uống bất cứ thức ăn và thức uống gì, không hút thuốc lá trước khi tiến hành nghiệm pháp. Chỉ tiến hành nghiệm pháp khi thai phụ ở trong tình trạng ổn định thể chất và tinh thần như không bị sốt cao, căng thẳng, không dùng các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến nghiệm pháp như corticoids, salbutamol, thuốc chẹn giao cảm, lợi tiểu nhóm thiazide… Trong thời gian làm nghiệm pháp thai phụ không được ăn hoặc uống bất kỳ các loại thức ăn hoặc thức uống gì trừ nước sôi để nguội hoặc nước suối. Trong quá trình tiến hành, thai phụ được ngồi nghỉ, không đi lại nhiều hay đi lên xuống cầu thang, cũng như không hút thuốc.

+ Tiến hành nghiệm pháp:

* Thời gian: nghiệm pháp được tiến hành từ 7 giờ đến 9 giờ sáng.

* Cách thức tiến hành:

  1. Xét nghiệm glucosemáu tĩnh mạch lúc đói: lấy 2ml máu tĩnh mạch để gửi phòng xét nghiệm thử glucose lúc đói.
  2. Pha 250ml nước lọc với 75g đường và để thai phụ uống trong vòng 5 phút.
  3. Xét nghiệm glucose máu 1 giờ sau khi làm nghiệm pháp với 2 ml máu tĩnh mạch.
  4. Xét nghiệm glucose máu 2 giờ sau khi làm nghiệm pháp với 2 ml máu tĩnh mạch.

* Đánh giá kết quả: chẩn đoán dương tính ĐTĐTK khi có ít nhất 1 xét nghiệm đạt tiêu chí chẩn đoán.

Bảng 1. Tiêu chí chẩn đoán ĐTĐTK bằng NPDNĐH theo ADA 2012[6]

Giờ

Đường huyết mg/dL

Đường huyết mmol/l

0

92

5,1

1

180

10

2

153

8,5

2.2.5. Phân tích dữ liệu

Các số liệu thu nhận được  nhập liệu bằng phần mềm Epdata version 3.1 và phân tích số liệu với phần mềm SPSS 16.0.

Biến số định tính được trình bày theo tần suất và tỷ lệ phần trăm. So sánh sự khác biệt của phân bố biến số định tính được thực hiện bằng phép kiểm chi bình phương. Nếu giả định của phép kiểm chi bình phương không đạt (khi có trên 20% các ô có vọng trị  nhỏ hơn 5) thì phép kiểm định Fisher sẽ được sử dụng. Giá trị P ≤ 0,05 được xem là có ý nghĩa thống kê.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Bảng 3.1. Tỷ lệ ĐTĐTK

Đái tháo đường thai nghén

Số thai phụ (n= 216) Tần suất (%)

Không ĐTĐTK

165 (76,4%)

ĐTĐTK

51 (23,6%)

Nhận xét: Trong số 216 thai phụ tham gia nghiên cứu có 51 thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose 75 gram, chiếm tỷ lệ 23,6%.

Bảng 3.2. Các chỉ định làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết

Đặc điểm

Không ĐTĐTK (%)

ĐTĐTK (%)

Tổng

Đường huyết hoặc đường niệu tăng

39 (68,5%)

18 (31,5%)

57

Thai to so với tuổi thai

 19(70,4%)

8 (29,6%)

27

Dư ối

14 (87,5%)

2 (12,5%)

16

Mẹ lớn tuổi đơn thuần (>35)

34 (81%)

8 (19%)

42

Mẹ tăng cân nhanh, thừa cân  (BMI > 23)

10 (71,4%)

4 (28,6%)

14

Trong gia đình có người bị ĐTĐ

7 (87,5%)

1 (12,5%)

8

Các tiền căn sản khoa

42 (80,8%)

10 (19,2%)

52

Tổng

165

51

216

Nhận xét:

- Số thai phụ có đường huyết hoặc đường niệu tăng chiếm nhiều nhất (57 trường hợp/26,4%), tiếp đến là các thai phụ có tiền căn sản khoa bất lợi (52/24,1%).

- Số thai phụ thừa cân hay tăng cân nhanh chiếm ít nhất (14 trường hợp/6,5%).

Bảng 3.3. Liên quan giữa tuổi thai phụ với ĐTĐTK

Tuổi

Không ĐTĐTK

ĐTĐTK

Tổng

p

 

N

%

N

%

N

 

 

 

< 0,05

< 25

49

92,5%

4

7,5%

53

25-35

78

74,8%

29

25,2%

115

>35

30

62,5%

18

37,5%

48

Tổng

165

 

51

 

216

Nhận xét: Có 37,5% bệnh nhân trên 35 tuổi dương tính với nghiệm pháp tăng đường huyết. Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ ĐTĐTK ở các độ tuổi ( p< 0,05)

Bảng 3.4. Liên quan ĐTĐTK với tuổi thai

Tuổi Thai

Không ĐTĐTK

ĐTĐTK

Tổng

 

n

%

n

%

N

< 24 tuần

15

93,8%

1

6,2%

16

24-28 tuần

45

73,8%

16

26,2%

61

    >28 tuần

105

75,5%

34

24,5%

139

Tổng

165

 

51

 

216

Nhận xét:

- 26,2% thai phụ có tuổi thai từ 24 đến 28 tuần dương tính với NPDNĐH và 24,5% với tuổi thai trên 28 tuần.

- Chỉ 6,2 % trường hợp dương tính với NPDNĐH với tuổi thai dưới 24 tuần.

Bảng 3.5. Tỷ lệ ĐTĐTK ở các nhóm chỉ định

Nhóm chỉ định

Không ĐTĐTK

ĐTĐTK

Tổng

Nhóm nguy cơ cao:

- BMI> 23 trước có thai

- Tiền sử ĐTĐTK

- Tiền sử đẻ con > 4000g

- Tiền sử gia đình có người ĐTĐ

- Đường niệu dương tính

 

77 (70%)

 

33 (30%)

 

110

Nhóm chỉ định mở rộng:

- Thai to so với tuổi thai

- Dư ối

- Tiền sử thai lưu, sảy thai liên tiếp

- Mẹ lớn tuổi

- Mẹ tăng cân nhanh

 

88 (83%)

 

18 (17%)

 

106

Tổng

165

51

216

Nhận xét: Tỷ lệ ĐTĐTK ở nhóm nguy cơ cao là 30% và ở nhóm chỉ định mở rộng là 17%

Bảng 3.6. ĐTĐTN với tiền căn sản khoa

Đặc điểm

Không ĐTĐTK

Tần suất ( %)

ĐTĐTK

Tần suất ( %)

Tổng

Sinh con to

18 (78,3%)

5 (21,7%)

23

Sinh thai bất thường

2 (100%)

0 (0%)

2

Thai lưu, sảy thai liên tiếp, sinh non

17 (89,5%)

2 (10,5%)

19

Đái tháo đường thai kỳ

5 (62,5%)

3 (37,5%)

8

Tổng

42 (80,8%)

10 (19,2%)

52

Nhận xét: 19,2% bệnh nhân có tiền căn sản khoa dương tính với NPDNĐH , trong đó 37,5% bệnh nhân có tiền căn ĐTĐTK và 21,7% có tiền căn sinh con to dương tính với NPDNĐH.

BÀN LUẬN

4.1. Tỷ lệ ĐTĐTK

Tỷ lệ ĐTĐTN trên những bệnh nhân được chỉ định làm NPDNĐH là 23,6%. So với các nghiên cứu trong nước cũng như ở nước ngoài khi nghiên cứu trên đối tượng nguy cơ cao thì tỷ lệ này của chúng tôi có vẻ thấp hơn. Có lẽ do đối tượng lựa chọn nghiên cứu của chúng tôi được mở rộng hơn ngoài đối tượng nguy cơ cao. 

Bảng 4.1. Tỷ lệ ĐTĐTK trên thai phụ nguy cơ cao ở các nghiên cứu

Tác giả

Năm nghiên cứu

Địa điểm nghiên cứu

Tỷ lệ %

Nguyễn Thị Phương Thảo[7]

2007

BV Bạch Mai

28,6

Vũ Bích Nga[5]

2007

BV BạchMai

25,2

Nguyễn Thị Kim Liên[8]

2010

BV PSTW

30,6

Idris [9]

2003

Malaysia

30,5

Trong khi đó tỷ lệ ĐTĐTK các nghiên cứu ở mọi thai phụ gồm có cả yếu tố nguy cơ cao và không có yếu tố nguy cơ theo các kết quả nghiên cứu trước ở bảng 4.2 chỉ 10,6% ở Úc năm 1996, 4,3 %[11], ở Trung Quốc năm 2009[10], và ở Việt Nam là 7,9% theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Phương Thảo năm 2007[7]. Qua đây chúng ta thấy tỷ lệ ĐTĐTK ở thai phụ có yếu tố nguy cơ cao hơn hẳn tỷ lệ ĐTĐTK ở thai phụ trong quần thể. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê, theo Vũ Bích Nga và CS 2007 với p< 0,001; OR = 6,98.

Bảng 4.2. Tỷ lệ ĐTĐTK qua một số nghiên cứu

Tác giả

Năm nghiên cứu

Địa điểm nghiên cứu

Tỷ lệ %

Nguyễn T. Phương Thảo[7]

2007

BV Bạch Mai

7,9%

Vũ Bích Nga [5]

2007

BV BạchMai

7,8%

Yang H [10]

2009

Trung Quốc

4,3

N. Wah Cheung [11]

1996

Úc

10,6

4.3. Tỷ lệ đái tháo đường và tuổi mang thai:

Qua nghiên cứu cho thấy tỷ lệ ĐTĐTK tăng dần theo nhóm tuổi, cao nhất ở nhớm thai phụ trên 35 tuổi là 37,5% sau đấy là nhóm tuổi 25-35 là 25,2% và thấp nhất là nhóm tuổi dưới 25 chỉ 7,5%. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê ( p< 0,05). Nghiên cứu của Nguyễn Thị Kim Liên cho kết quả tương tự: tỷ lệ ĐTĐTK nhóm trên 25 tuổi là 91,8% và dưới 25 tuổi là 8,2% (p<0,01)[8]. Ngoài ra theo bảng 3.6 có đến 19% bệnh nhân được chỉ định làm NPDNĐH do đơn thuần là mẹ lớn tuổi dương tính với NPDNĐH, từ đây có thể khuyến cáo nên làm NPDNĐH cho tất cả các thai phụ trên 35 tuổi.

4.4. Tỷ lệ ĐTĐTK và tuổi thai:

Tỷ lệ ĐTĐTN của 2 nhóm tuổi thai từ 24 đến 28 tuần và trên 28 tuần là: 26,2% và 24,5 % gần như ngang nhau và cao hơn hẳn so với tuổi thai dưới 24 tuần là 6,2%. Như vậy có thể nói ĐTĐTK có thể xuất hiện ở bất kỳ tuổi thai nào, ngay cả tuổi thai dưới 24 tuần mặc dù ở tuổi thai nay tỷ lệ ĐTĐTK là thấp. Vậy nên, theo khuyến cáo của Hội nghị Quốc tế về ĐTĐTK thì những đối tượng nguy cơ cao nên được làm NPDNĐH ngay lần đầu đến khám, nếu âm tính với nghiệm pháp chúng ta nên làm lại ở tuổi thai 24 đến 28 tuần, còn các thai phụ khác nên được sàng lọc bằng nghiệm pháp từ 24 đến 28 tuần, vì nếu nhóm nguy cơ thấp không sàng lọc có thể bỏ sót 10% ĐTĐTK.

4.4. Tỷ lệ ĐTĐTK và các tiền sử sản khoa:

Có 19,2 % bệnh nhân có tiền sử sản khoa dương tính với NPDNĐH, trong đó chủ yếu là bệnh nhân có tiền sử đẻ con to, tiền căn ĐTĐTK và tiền sử đẻ non hay sảy thai liên tiếp. Kết quả trên phù hợp với một số nghiên cứu như của Tạ Văn Bình và cộng sự năm 2002-2004 trên thai phụ khám và quản lý thai nghén tại Phụ Sản Trung ương và Phụ Sản Hà nội thấy bệnh nhân có tiền sử đẻ con to trên 3500g thì tỷ lệ ĐTĐTK cao hơn hẳn so với bệnh nhân không có tiền sử này, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với OR = 2,34[11]. Còn theo nghiên cứu của Nguyễn Phương Thảo năm 2007[7], Nguyễn Thị Kim Liên năm 2010 thì 100% các trường hợp có tiền sử ĐTĐTK thì đều dương tính với NPDNĐH. Sự khác biệt về tỷ lệ ĐTĐTK giữa 2 nhóm có tiền sử và không là có ý nghĩa thống kê ( p<0,01)[8].

4.5. Tỷ lệ ĐTĐTK và các chỉ định là NPDNĐH:

Trên bảng 3.5 và 3.7 cho thấy ĐTĐTK xuất hiện ở tất cả các chỉ định trong đó có cả các chỉ định vì có yếu tố nguy cơ cao như: tiền sử sinh con to hay ĐTĐTK, béo phì thừa cân trước có thai, đường niệu dương tính và các chỉ định không nằm trong nhóm nguy cơ cao như: dư ối, mẹ lớn tuổi đơn thuần, tăng cân nhanh, thai có cân nặng to hơn tuổi thai. Như vậy có thể nói việc mở rộng các chỉ định làm  NPDNĐH giúp chúng ta hát hiên thêm và tránh bỏ sót bệnh nhân ĐTĐTK. Theo khuyến cáo của Hội nghị Quốc tế về ĐTĐ năm 2005 thì nên sàng lọc ĐTĐTK cho tất cả các thai phụ ở tuổi thai 24 – 28 tuần, còn đối với đối tượng nguy cơ cao thì nên làm NPDNĐH ngay lần đầu tiên đến khám [3][4].

Kết luận:

Qua kết quả của nghiệm pháp dung nạp đường huyết ở các thai phụ có chỉ định xét nghiệm tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương năm 2016, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

- Tỷ lệ ĐTĐTK chung cho những bệnh nhân đã được chỉ định làm NPDNDH tại khoa khám bệnh là: 23,6%.

- Tỷ lệ ĐTĐTK cao nhất ở nhóm > 35 tuổi (37,5%); Số thai phụ có đường huyết hoặc đường niệu tăng chiếm nhiều nhất (57 trường hợp/26,4%), 26,2% thai phụ có tuổi thai từ 24 đến 28 tuần dương tính với NPDNĐH và chỉ 6,2 % trường hợp dương tính với NPDNĐH với tuổi thai dưới 24 tuần; ở nhóm có các tiền căn sản khoa là 19,2 % và  ở nhóm nguy cơ cao là 30%, ở nhóm chỉ định mở rộng là 17 %.

Tài liệu tham khảo

  1. Crowther, C. A., Hiller, J. E., Moss, J. R., McPhee, A. J., Jeffries, W. S., Robinson, J. S. (2005), "Effect of treatment of gestational diabetes mellitus on pregnancy outcomes". N Engl J Med, 352(24), 2477-2486.
  2. Langer, O., Yogev, Y., Xenakis, E. M., Rosenn, B. (2005), "Insulin and glyburide therapy: dosage, severity level of gestational diabetes, and pregnancy outcome", Am J Obstet Gynecol, 192(1), 134-139.
  3. American Diabites Association (2004). “ Gestational Diabetes mellitus”. Diabetes care, Vol.27(Suppl 1): S88-S90.
  4. Asian-Pacific Type 2 Diabetes Policy Group (2005). “ Special situations: Pregnancy”. Typ 2 Diabetes –Practical targets and treatment, fouth edition: 29-33.
  5. Vũ Bích Nga, Tạ Văn Bình (2007). “ Xác định tỷ lệ và thời điểm chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ trong nhóm thai phụ có yếu tố nguy cơ cao” Báo cáo toàn văn các đề tài khoa học của hội nghị khoa học toàn quốc chuyên ngành nội tiết và chuyển hóa. Lần thứ 3: 524-528.
  6. American Diabetes Association (2012),"Diagnosis and classification of diabetes mellitus", Diabetes Care, 35 Suppl 1, S11-63.
  7. Nguyễn Thị Phương Thảo, Vũ Thị Bích Nga ( 2007. “ Xác định tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ và tìm hiểu các yếu tố nguy cơ của các thai phụ được quản lý thai tại khoa Sản bệnh Bạch Mai”. Luận văn tốt nghiệp bác sĩ y khoa, Trường đại học y Hà nội.
  8. Nguyễn Thị Kim Liên (2010). Nghiên cứu về đái tháo đường thai kỳ ở nhóm thai phụ có yếu tố nguy cơ cao tại bệnh viện phụ sản trung ương”. Luận văn thạc sĩ y học, Trường đại học y Hà nội.
  9. N Idris, Ch Che hatikah, MZ Muiah, MN RushdN (2009) “ universal versus selective screening for detection of gestation diabetes mellitus in a Malaysia population’ Malaysian Family Family Physicuian; 35: 83-87.
  10. Yang H, Wei Y (2009). “ Rick factors for gestational diabetes mellitus in Chinese women: a prospective study of 16286 pregnant women in China”. Diabet Med. Nov 26(11), 1099-104.
  11. Wah Cheung, Wasmer G, Jalila A (2001). “ Rick factors for gestational diabetes among Asian women”. Diabetes care, Vol 28, Number 6, June.
  12. Tạ Văn Bình, Nguyễn Đức Vy, Phạm Thị Lan (2004). “ Tìm hiểu tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ và một số yếu tố liên quan ở thai phụ quản lý thai kỳ tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương và Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội”. Thuộc đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước KC. 10.15.

Nghiên cứu  đã được đăng kỷ yếu tại hội nghị sản phụ khoa Việt-Pháp năm 2017.

Tra cứu kết quả xét nghiệm

Hướng dẫn tra cứu kết quả

Ngày xét nghiệm

Là ngày được in trên biên lai mà Khách Hàng nhận được khi đi xét nghiệm.

Số biên lai

Là mã được in trên biên lai mà Khách Hàng nhận được khi đi xét nghiệm.